- Tháng Tư 9, 2018
- Posted by: NEEC Immigration
- Category: Bất động sản tại Mỹ
Khác với quan niệm của người Việt thích “an cư lạc nghiệp”, thì chuyện người Mỹ cầm bằng lái, credit card, vác ba lô nay sống thành phố này, mai ở tiểu bang khác là bình thường.
Nhà cửa là một điều tối quan trọng với người gốc Việt ở Mỹ, mặc dù dân Mỹ thì chuyện lang bạt như đã nói ở trên là rất bình thường. Mua nhà ở Mỹ thế nào, có làm cả đời mới mua được và giá cả đắt đỏ như ở Việt Nam hay không là điều mà nhiều người thắc mắc.
Mỹ là một xã hội luôn vận động!
Khác với quan niệm của người Việt thích “an cư lạc nghiệp”, thì chuyện người Mỹ cầm bằng lái, thẻ ngân hàng, credit card, vác ba lô, nay sống thành phố này, mai ở tiểu bang khác là điều bình thường.
Chỉ cần có việc làm là có tất cả. Bên đây, nơi ở thường gắn liền với công việc. Nếu cơ hội chỗ khác tốt hơn thì phải dọn đi thôi. Công ty tôi có gần 3.000 căn hộ. Mỗi năm turn over rate (tỷ lệ người dọn ra, dọn vô) lên đến 30% cũng không có gì lạ.
Mỗi khi người Việt có dịp gặp nhau, sau mấy câu dạo đầu kiểu tên gì? Ở đâu? Qua Mỹ lâu chưa? Sẽ chuyển qua hỏi mua nhà chưa? Mấy phòng? Khu nào? Sao không mua một căn đi chứ lang bạt hoài đâu có được.
Một góc khu chung cư dạng garden style nơi tôi đang sống và làm việc – Ảnh: Nguyễn Hữu Tài
Cuộc đổ vỡ bong bóng nhà đất (Housing Bubble) ở Mỹ vào năm 2007 kéo theo sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu, làm cho những người nhập cư với giấc mơ mua được nhà lại trở về tay trắng khi hầu như mất hết tất cả số tiền trả cho căn nhà trong nhiều năm.
Họ trở thành dân vô gia cư, cất lều trại ngoài công viên hay dọc đường cao tốc. Mấy năm trở lại đây, chính phủ Mỹ cố gắng tạo ra nhiều việc làm, số lượng người thất nghiệp giảm, thị trường nhà đất ấm dần, giá nhà tăng trở lại dẫu vẫn còn nhiều chật vật, nhất là các tiểu bang miền Nam.
Trong và sau khủng hoảng kinh tế, đi thuê nhà trở nên cần thiết hơn cho một số người bị mất nhà. Ngân hàng siết chặt vốn cho vay. Nhiều người không có tiền để trả “down payment” (cọc) hoặc credit (tín dụng) xấu, không đủ điều kiện để mua.
Suy thoái kinh tế nhắc người Mỹ không có gì là đảm bảo vĩnh cữu. Công việc có thể mất, nhà có thể bị kéo đi bất cứ lúc nào. Người mua nhà trở nên lo sợ khi phải đối diện với số nợ kéo dài trong vòng 10, 20, hay 30 năm.
Ngoài ra phải thanh toán những chi phí tối thiểu khi sở hữu nhà như điện, nước, gas, vệ sinh, cắt cỏ, bảo trì, sửa chửa, nội thất…
Chấp nhận cày để mua hơn thuê
Người Mỹ trắng và châu Á thích mua nhà hơn người gốc Nam Mỹ và da đen. Tiền mướn nhà cũng không hề rẻ, chiếm trung bình 30% thu nhập, hay cao hơn ở những thành phố lớn. Ví dụ, ở Los Angeles sẽ là 47%, 43,2% ở Miami, 40,7% ở San Francisco, hay 39,5% ở New York.
Nhà cho thuê ở Mỹ chủ yếu là apartment (chung cư). Còn căn hộ chung cư có chủ sở hữu như Việt Nam được gọi là condo (condominium). Hai loại chung cư phổ biến nhất ở Mỹ là high-rise (nhà cao tầng, thường dùng thang máy, chủ yếu trong thành phố) và garden style (nhà thấp tầng, có vườn tược, cây cối, phần lớn ở ngoại ô).
Nhiều chung cư cũ có tuổi đời gần cả trăm năm nhưng vẫn được vận hành tốt. Điện nước, gas được cộng vào tiền hằng tháng (hoặc người mướn phải trả tiền điện). Những khu nhà mới xây, ngoài tiền hàng tháng, người thuê hầu như phải trả tất cả các chi phí, kể cả đậu xe và đổ rác.
Phần lớn người thuê phải ký hợp đồng một năm với các điều kiện bắt buộc. Tiền cọc (security deposit) từ $200 lên tới hai tháng tiền nhà tùy vào credit. Hợp đồng nhà dài vài chục trang giấy, chữ viết nhỏ li ti, luôn bảo vệ quyền lợi cho chủ. Khách thuê chả phản đối được điều gì. Không chịu ký là khỏi dọn vào nhé.
Gần 14 năm làm việc quản lý cho thuê mướn nhà, số người châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, tôi gặp, đếm được trên đầu ngón tay ít ỏi. Khách chủ yếu là người da đen và Nam Mỹ. Người gốc Việt vẫn thích mua nhà còn không thì đi share phòng với người Việt khác.
Một căn nhà kiểu apartment, đang trống chờ cho thuê – Ảnh: Shutterstock
Với người gốc Việt, nhỏ hay to gì cũng phải ráng tìm một căn để ở cho oách, dù phải vay nợ ngân hàng tới 20, 30 năm. Bên này chả ai móc ra một đống tiền mặt để trả tiền. Ngân hàng hỏi này hỏi kia và bị IRS (Sở thuế vụ) vào cuộc điều tra ngay (Các ngân hàng ở Mỹ phải báo với IRS nếu tài khoản nào có quá $50.000 tiền mặt).
Thỉnh thoảng nhân viên nhắn tin, nói khách mới dọn vô có cái “last name” (họ) giống y chang sếp. Với “tinh thần dân tộc” cao độ, tôi cũng dành thiện cảm cho đồng hương, và luôn giúp họ hết mức có thể, miễn là không vi phạm các điều lệ hợp đồng rồi không biết ăn nói làm sao với sếp.
Theo Nguyễn Hữu Tài – Thanhnien